Ngày Thị giác Thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Đây là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị khiếm thị.
Ngày Thị giác Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Năm tuần thứ hai của tháng 10. Năm nay, là ngày 10/10/2024 với chủ đề: “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe mắt trẻ em, giúp trẻ cơ hội yêu thương đôi mắt của mình. Một trong số những bệnh về mắt thường gặp nhất ở trẻ đó là cận thị.
Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 80% - 90% trẻ em ở Châu Á, bao gồm Việt Nam, có thể bị cận thị vào năm 2050. Cận thị là một trong các loại tật khúc xạ phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở lứa tuổi học đường. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em mắc tật cận thị vào khoảng 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn. Tại một số trường học trong nội thành Hà Nội và Tp.HCM, tỷ lệ học sinh mắc tật cận thị chiếm tới 50%. Một nghiên cứu chuyên sâu khác trên hơn 3.000 học sinh tiểu học từ 6-10 tuổi tại các trường tiểu học TP. Vinh - Nghệ An, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 5/2023, cho thấy tỷ lệ cận thị chung ở học sinh tiểu học vào khoảng 31,3% và dự kiến sẽ còn tăng cao qua các năm.
Cận thị sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ. Khi bị cận thị, việc đeo thêm một chiếc kính sẽ gây cản trở rất nhiều trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế vui chơi sinh hoạt một số lĩnh vực. Nhưng nguy hiểm hơn là cận thị dễ gây biến chứng như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hoá, teo hắc võng mạc, nhược thị dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù loà.
Kiểm tra mắt định kỳ cho trẻ
Chính vì vậy, để bảo vệ đôi mắt cho trẻ cha mẹ nên:
1. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử: Cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho bé nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 feet (khoảng 6m).
2. Vệ sinh tay trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ đưa tay lên mắt
3. Xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý, khoa học
4. Vệ sinh vùng mắt cho trẻ đúng cách
5. Sử dụng nước mắt nhân tạo
6. Khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động thể chất
7. Đeo kính râm khi đi ra nắng chống tia UV
8. Massage mắt cho trẻ hàng ngày
9. Cho trẻ khám mắt định kỳ
10. Tăng cường bổ sung thực phẩm tốt cho mắt
Đối với bệnh về mắt ở trẻ em như bệnh đau mắt, ngứa mắt, dị ứng mắt,... phụ huynh cần chú ý chăm sóc mắt cho bé đúng cách để bảo vệ thị lực cho con.
- Vệ sinh mắt thường xuyên, nhẹ nhàng đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng, dính ghèn, loại bỏ vi khuẩn, virus,...
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé, cung cấp đầy đủ vitamin A có trong gan, cá, tôm, thịt, trứng, sữa, rau củ, trái cây, vitamin E,...
- Kiểm tra mắt định kì 6 tháng - 1 năm/lần
- Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Cứ làm việc khoảng 20 phút thì mắt nên nghỉ ngơi từ 1 - 2 phút
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng khăn mặt riêng và sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay và các vật dụng bẩn lên mắt, không chơi các trò chơi nguy hiểm đến mắt
- Ngồi học, làm việc ở nơi có ánh sáng đầy đủ, hướng dẫn trẻ ngồi đúng cách, không gù lưng, không cúi gằm mặt xuống bàn
- Dùng thuốc nhỏ mắt có chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, chondroitin sulfate, acid amin khi mỏi mắt để chăm sóc và bảo vệ mắt
- Đội mũ, đeo kính râm khi đi ngoài đường để tránh các tia UVA, UVB làm bỏng mắt, nóng rát mi mắt, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát.
VÌ MỘT THẾ HỆ TƯƠNG LAI KHỎE MẠNH: HÃY BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC ĐÔI MẮT CỦA TRẺ!