HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG CÁC BỆNH NHIỆT ĐỚI BỊ LÃNG QUÊN (30/01)
Bệnh nhiệt đới bị lãng quên là một nhóm gồm khoảng 20 bệnh phổ biến ở các vùng nhiệt đới, trong đó có một số bệnh như giun Guinea, bệnh phong, bệnh mù do giun chỉ, bệnh dại, bệnh ghẻ, đau mắt hột…, do nhiều loại mầm bệnh gây ra bao gồm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và độc tố; và còn tới hàng triệu người trên toàn cầu bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa, điều trị và chăm sóc liên quan đến những căn bệnh này. Năm 2022 ghi nhận dấu mốc quan trọng liên quan đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận ngày 30/01 là Ngày Thế giới phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào việc chống lại các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khiến hơn 1,65 tỷ người, thường là ở các nước kém phát triển nhất, cần phải điều trị trong năm 2021. Đây là nhóm các loại bệnh hết sức đa dạng và phổ biến ở vùng nhiệt đới.
Bệnh nhiệt đới bị lãng quên viết tắt là NTDs (Neglected Tropical Diseases) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định chủ yếu xảy ra ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với những đặc điểm như:
Chúng tác động tới sức khỏe, tính mạng của những người nghèo – những người không được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh và các dịch vụ y tế phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Phần lớn là bệnh mãn tính, phát triển chậm, dần dần trở nên tồi tệ nếu không được phát hiện và điều trị.
Chúng có thể gây đau đớn dữ dội và tàn tật suốt đời, gây hậu quả lâu dài cho bệnh nhân và cho các thành viên trong gia đình do phải chăm sóc người bệnh.
Người mắc NTDs thường bị kỳ thị và xa lánh cộng đồng, do đó họ có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Các trường hợp bệnh rất khác nhau và một người có thể mắc cùng lúc hai bệnh trở lên.
Phòng chống bệnh NTDs:
Các loại thuốc cần thiết để điều trị NTDs hiện đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu của WHO và các công ty dược đang cung cấp miễn phí cho người dân có nhu cầu thông qua các chương trình từ thiện.
Với sự gia tăng cam kết của quốc gia trong việc kiểm soát các bệnh NTDs và các phương pháp tiếp cận mới trong phân phối thuốc (ví dụ như thông qua các can thiệp hướng đến cộng đồng hoặc các chương trình y tế học đường) đã giúp giải quyết một số bệnh NTD (bệnh mắt hột, bệnh giun chỉ onchocerciasis, bệnh giun chỉ bạch huyết, giun sán truyền qua đất và bệnh sán máng) trên quy mô lớn, trong những chương trình được gọi là chương trình quản lý thuốc đại trà (MDA).
Các chương trình cung cấp thuốc đại trà mang lại nhiều lợi ích: Tác động trực tiếp đến sức khỏe từng bệnh nhân, thậm chí vượt xa hơn mục tiêu điều trị nhiễm trùng; Cải thiện sự tham gia của cộng đồng trong các chương trình y tế; Tăng mức độ tiếp cận cho những người dân không hoặc ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế; Chuỗi cung ứng thuốc được cải thiện; Tăng cường quản lý dữ liệu, giám sát, đánh giá và hệ thống báo cáo.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và các hành động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước nhằm phòng, chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Bởi nếu không có nước, xà phòng và các chất diệt khuẩn rất khó để thực hiện các hoạt động y tế công cộng nhằm ngăn ngừa và quản lý các bệnh nhiệt đới NTDs như bệnh đau mắt hột, một căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa và không thể phục hồi nếu không được vệ sinh sạch sẽ; Rửa chân tay để tránh bệnh giun sán, đặc biệt là bệnh giun chỉ bạch huyết loại bệnh mà giun xâm nhập vào hệ thống bạch huyết và gây phù nề nghiêm trọng, đặc biệt là ở chân; Rửa vết thương, làm sạch kỹ lưỡng sau khi bị chó cắn có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút từ nước bọt của chó gây bệnh dại; Rửa tay tránh các loại vi khuẩn đường ruột khi tiếp xúc với đất cát có trứng giun hay thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ.
Ngày Thế giới phòng chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (30/1) hàng năm là cơ hội để thúc đẩy và tăng cường thêm động lực cho các quốc gia, các nhóm hành động trong nỗ lực chấm dứt và thanh toán các căn bệnh này./.
Nguồn: CDC Quảng Ninh.