Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Bệnh có khả năng lây truyền từ người nay qua người khác qua vật trung gian là muỗi vằn, thời gian phát bệnh chỉ từ 4 – 5 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả.
Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 – tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên muỗi vằn sinh sản rất nhiều. Hai khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc.
Trong thời gian qua tính đến ngày 30/3/2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 29 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 28 ca dương tính. Tại thị xã Quảng Yên từ đầu năm đến nay đã xuất hiện 01 ca sốt xuất huyết.
Các bác sĩ TTYT thị xã Quảng Yên cho biết: “Có 3 mức độ trong phân độ của sốt xuất huyết: “Sốt xuất huyết - sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo – sốt xuất huyết nặng. Các bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo thường có biểu hiện như: thoát dịch, cô đặc máu, giảm tiểu cầu nhanh, chảy máu niêm mạc hoặc xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch các màng: Màng tim, màng bụng, màng phổi.
Khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân thường bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể xuất hiện các triệu chứng như: da sung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi hoặc nặng hơn là xuất huyết nội tạng), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, đau bụng vùng gan, vật vã, li bì. Đối với bệnh sốt xuất huyết, nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các thể nặng của sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị sốc Dengue do mất máu hoặc do thoát dịch huyết tương, có thể có xuất huyết nội tạng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hoá, suy đa tạng và có thể dẫn đến tử vong.”
Sốt xuất huyết nếu theo dõi và điều trị kịp thời có thể giảm tỷ lệ chuyển từ sốt xuất huyết Dengue chuyển thành sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bệnh nhân có thể theo dõi chỉ số sinh tồn tại nhà, theo dõi nhiệt độ cơ thể. Khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột và liên tục, nhức đầu, đau nhức hai hố mắt, đau mỏi người, cơ, buồn nôn, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, da xung huyết, đi ngoài, đi tiểu kèm máu, đau bụng vùng gan phải, hành kinh bất thường ở nữ… thì cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng, tư vấn, phân loại điều trị. Với những trường hợp đánh giá có yếu tố nguy cơ bác sĩ sẽ cho nhập viện điều trị để tránh những biến chứng nặng có thể xảy ra.
TTYT thị xã Quảng Yên đã phun thuốc diệt muỗi xung quanh khuôn viên Trung tâm và các khoa phòng.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người bệnh sốt xuất huyết nên đến bệnh viện để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Nhân viên Y tế cùng người dân trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở,….
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết, TTYT thị xã Quảng Yên đã phun thuốc diệt muỗi xung quanh khuôn viên Trung tâm và các khoa phòng, cùng người dân trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở,…. Đặc biệt, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như:
- Tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết
- Tránh muỗi đốt, dùng thuốc xịt muỗi, phun thuốc muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện…
- Thoa kem chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay đối với trẻ em, ngủ màn kể cả ban ngày…
- Sắp xếp quần áo, đồ vật trong nhà gọn gàng, ngăn nắp.
- Thường xuyên cọ, súc, rửa chum vại, phi… , dùng bàn chà chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy nắp không cho muỗi vào đẻ trứng.
- Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể xúc rửa hoặc đậy nắp được ta có thể thả cá diệt lăng quăng, bọ gậy
- Đối với các dụng cụ khác: bát kê chân chạn, lọ hoa, chậu cây cảnh… thay nước ít nhất một lần trong một tuần, cho muối ăn hoặc dầu lin vào bát kê chân chạn, cọ rửa thành của vật dụng để loại bỏ trứng.