CẤP CỨU BỆNH NHÂN NHI XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA NẶNG TẠI TTYT Tx. QUẢNG YÊN: HÀNH TRÌNH ĐIỀU TRỊ VÀ HỒI PHỤC
Ngày 07/5, một bé trai 12 tuổi được chuyển đến Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên trong tình trạng da xanh tái, mạch nhanh, huyết áp tụt – dấu hiệu kinh điển của một ca xuất huyết tiêu hóa nặng. Và ngay lúc đó, cuộc đua với tử thần chính thức bắt đầu.
Khi chiếc cáng lăn bánh vào cửa Khoa Cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng đã ở tư thế sẵn sàng như một phản xạ chuyên nghiệp. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa nghi do loét dạ dày tá tràng, mất máu, với biểu hiện nôn ra máu tươi, huyết áp tụt, chỉ còn 80/50 mmHg.
Bác sĩ theo dõi sát sao trong suốt quá trình truyền máu, đảm bảo không có biến chứng xảy ra
Chỉ trong vòng vài phút, đội phản ứng nhanh được kích hoạt. Bệnh nhi được thiết lập đường truyền tĩnh mạch lớn, hồi sức tích cực bằng dịch truyền, thuốc vận mạch và đặc biệt là truyền máu cấp cứu từ nguồn máu dự trữ tại đơn vị – yếu tố quyết định thành bại trong những trường hợp như thế này.
Bệnh nhi đang được truyền máu
Trung tâm Y tế đã kích hoạt quy trình truyền máu khẩn cấp, huy động nguồn máu từ ngân hàng máu của trung tâm, đồng thời kiểm tra nhóm máu của bệnh nhi để đảm bảo truyền máu an toàn. Các bác sĩ và điều dưỡng theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn trong suốt quá trình truyền máu, đảm bảo không có biến chứng xảy ra.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên đối mặt với những ca cấp cứu nguy kịch như thế. Nhưng với mỗi trường hợp, yêu cầu cấp máu luôn là vấn đề then chốt. Điều đáng quý là trong những năm gần đây, Trung tâm đã xây dựng và duy trì hiệu quả kho dự trữ máu cấp cứu, luôn sẵn sàng phục vụ người bệnh 24/7.
“Trước đây, các trường hợp cần truyền máu gấp thường phải chuyển lên tuyến trên hoặc chờ điều phối máu từ nơi khác, có thể đánh mất “giờ vàng”. Nay với ngân hàng máu sống và hệ thống lưu trữ túi máu dự phòng, chúng tôi chủ động hơn rất nhiều trong điều trị các ca nguy kịch”, Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Búp - Trưởng khoa Nhi cho biết.
Sau nhiều giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, sắc mặt hồng hào trở lại. Các chỉ số huyết động được cải thiện, bác sĩ tiếp tục kế hoạch điều trị nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa nhằm ngăn tái phát. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống nhẹ và tiếp tục theo dõi sát tại Khoa Nhi.
Điều dưỡng theo dõi, quan tâm, chăm sóc bệnh nhân
Bs.CKI. Nguyễn Thị Búp - Trưởng Khoa Nhi, chia sẻ: Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ ít gặp hơn người lớn nhưng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây mất máu nhanh chóng, nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời bác sĩ cũng cảnh báo đối với phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn hoặc đi ngoài phân đen. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý đúng cách.
Sau 6 ngày được điều trị tích cực với phương pháp truyền máu và chăm sóc nội khoa, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt. Gia đình được hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm gây kích ứng tiêu hóa, đồng thời theo dõi các dấu hiệu bất thường.
Ca bệnh này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của đội ngũ Y bác sĩ tại TTYT Tx. Quảng Yên mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và ngân hàng máu tại TTYT đóng vai trò sống còn trong điều trị cấp cứu.
Trong câu chuyện của những người làm nghề y, không có điều gì thiêng liêng hơn việc mang người bệnh trở về từ bờ vực. Và ở Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, những ca cấp cứu như thế – từ người già đột quỵ, sản phụ băng huyết đến trẻ em xuất huyết tiêu hóa – đều được tiếp cận điều trị kịp thời nhờ hệ thống thường trực cấp cứu toàn diện và dự trữ máu liên tục.
“Chúng tôi xác định: dù ở tuyến cơ sở, nhưng phải đảm bảo cứu sống người bệnh trong thời khắc sinh tử. Việc chuẩn bị sẵn máu, thuốc và nhân lực là điều bắt buộc để giữ được mạng sống quý giá cho người dân”, Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh.